Hàng ngàn năm trước, những nhà hiền triết của xứ sở Phù Tang hàng ngày vừa chậm rãi dạo bước trên “Con đường của Nhà triết học” (Philosopher’s Walk – ngày nay đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa ở Kyoto – Japan) ven dòng suối rợp bóng cây và hoa Sakura, vừa suy ngẫm về nguồn gốc cuộc sống và cái chết, về mục đích và bản chất sự tồn tại của con người, về con đường phát triển của đất nước Nhật Bản và thế giới. Các nhà triết học Nhật Bản từ Cổ đại đến Trung đại thường tập trung tư duy nghiền ngẫm những khái niệm “trong sạch”, “danh dự”, “trung thành”, “hy sinh”, “đạo”… phản ánh nội tâm, luân lý và phong cách sống của con người Nhật Bản trước mọi diễn biến của xã hội và thế giới. Trong những ngày cả thế giới vật lộn trong cuộc chiến với cơn đại dịch chống chọi lại kẻ thù vừa vô hình, vừa hữu hình là con Virus Corona Vũ Hán mà nguồn gốc khởi phát của nó còn gây nhiều tranh cãi… lại suy tư tản mạn về sự tồn tại và phát triển của loài người hiện đại. Theo lý thuyết đã được công bố từ gần nửa thế kỷ trước của các nhà khoa học trong lĩnh vực Nhân chủng học (Anthropology), loài người hiện đại Homo Sapiens Sapiens cách đây khoảng 3 triệu năm đã bước vào giai đoạn định hình hoàn chỉnh về tiến hóa sinh học (biological evolution), bắt đầu tiến trình thực hiện tiến hóa xã hội (social evolution). Vòng tròn xoắn ốc do Nhà triết học biện chứng duy tâm khách quan Phổ thời kỳ Cận đại Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770 – 1831, quê ở Stuttgart – Germany) phác thảo trong Tập bài giảng Lịch sử Triết học (Hegel Toàn tập, tập 31-33) đã chỉ ra lược đồ tổng quát mô hình hóa sự tồn tại, vận động và phát triển của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Khảo sát cái vòng tròn xoắn ốc ấy, bóc tách đoạn đỉnh cao nhất của vòng xoắn, chúng ta sẽ thấy sau đó là đoạn vòng xoắn đi xuống. Sớm hơn G.W.F. Hegel rất nhiều, từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên, các nhà Triết học khuyết danh Trung Hoa cổ đại đã xây dựng nên lý thuyết Âm – Dương để khái quát hóa bản chất, cơ chế vận hành của thế giới khách quan dựa trên sự kết hợp biến hóa của hai nguyên tố ban đầu. Lý thuyết này đã được các thế hệ sau tiếp tục bổ sung, kết hợp với lý thuyết Ngũ hành và Chiêm tinh học, mô hình hóa bằng Hà đồ, Lạc thư, Bát quái… với sự kết hợp biến dịch kỳ ảo của hai nguyên tố Âm – Dương bản nguyên vũ trụ. Lại nghe nói Khổng Phu Tử (551 – 479 trước Công nguyên, quê ở Ấp Trâu, thôn Xương Bình nước Lỗ, nay thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc) đã nghiên cứu kỹ lưỡng sự biến hóa Âm – Dương, đặc biệt chú ý đến các Thái cực và Thiếu cực, trạng thái “Vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”, hết Thái dương sẽ chuyển sang Thiếu âm và ngược lại hết Thái âm sẽ chuyển sang Thiếu dương… nên đã xây dựng nên thuyết Trung dung nổi tiếng của Nho học, chú trọng sự cân bằng hài hòa, coi “thái quá cũng như bất cập” đều là những trạng thái cực đoan lệch lạc tạo nên sự bất ổn của con người, gia đình, đất nước và thiên hạ. Nghe nói Nhà toán học Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 – 1716, quê Leipzig – Germany) khi được giới Toán học ca ngợi là người phát minh ra hệ thống số nhị phân, ông đã khiêm tốn chỉ nhận là người kế thừa phát minh của người Trung Hoa cổ đại trong lý thuyết Âm – Dương. Ngay cả các máy tính điện tử và phương tiện thông tin – truyền thông hiện đại trong làn sóng văn minh thứ ba của nhân loại hiện nay theo cách gọi của Nhà tương lai học Alvin Toffler (1928 – 2016, quê New York – USA) cũng dựa trên nền tảng thuật toán sử dụng hệ nhị phân với sự kết hợp biến đổi của cặp số 1 (+) và 0 (-) có nguồn gốc khởi thủy từ lý thuyết Âm – Dương . Nghịch lý lớn nhất đồng thời cũng đau khổ nhất của Homo Sapiens Sapiens chính là trong tiến trình thực hiện tiến hóa xã hội (social evolution) lại rơi vào quá trình suy thoái sinh học (biological degeneration) theo quy luật tất yếu của giới tự nhiên. Dù thông minh tài giỏi đến mức nào, loài người cũng không thể đảo ngược được tiến trình tự nhiên này. Cũng theo quy luật tự nhiên, không loại Virus nào tồn tại vĩnh cửu. Đại dịch Virus Corona Vũ Hán rồi sẽ chấm dứt sau khi đã hết sức tàn phá loài người trên mọi lĩnh vực ở cuối thập kỷ thứ hai đầu thiên niên kỷ thứ ba… buộc loài người nói chung và mỗi quốc gia dân tộc phải tự nhận thức lại chính mình. Thực tế vừa qua cho thấy những quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực ít nhất từ đại dịch lại không phải là những quốc gia hùng mạnh nhất… mà là những quốc gia có sự thích ứng sớm nhất và biết đồng thuận thống nhất trong tổ chức phòng chống đại dịch. Sau cơn hồng thủy dịch bệnh, làm thế nào để chuyển hóa nhanh chóng từ Nguy sang Cơ, từ Trầm sang Thăng, từ Suy sang Hưng… đang là bài toán lớn nhất của mọi quốc gia, dân tộc hiện nay, đòi hỏi không chỉ cần tiềm lực tinh thần mà còn cả tiềm lực vật chất nữa. Hơn lúc nào hết, điều kiện cần để giải bài toán đó cũng cần tới sự thích ứng và đồng thuận.
______________
Nguyễn Thành